Cờ mặt trận năm 73 (original) (raw)
Vùng “xôi đậu” ngày ấy ở làng tôi có những chuyện giờ kể ra chẳng mấy ai tin. Gia đình ông bác của tôi có hai người con trai, anh thì đi lính cộng hòa, em lại là du kích. Rằm tháng mười âm lịch ở quê tôi thường có lệ cúng, gọi là “cúng cơm mới” nhưng trên mâm cỗ lại bày toàn bánh xèo, loại bánh khá phổ biến được làm bằng bột gạo ở miền Trung sau vụ gặt tháng mười. Bác gái tôi quy ước, hễ đến ngày rằm tháng mười thì anh em cố gắng về “đoàn tụ” một bữa bánh xèo.
Quy ước là vậy, song thời chiến tranh, thật khó để “vâng lời mẹ”. Tôi còn nhớ, đêm tháng mười âm lịch của năm 1972 ấy, cả hai người anh con bác tôi cùng về. Bánh xèo dọn lên, ông em tựa khẩu AK vào vách, ông anh gác khẩu R15 sang một bên bàn. Cả hai vừa thò đũa vô đĩa bánh xèo, chưa kịp gắp miếng nào, bỗng… đùng đoàng đầu xóm.
Đánh nhau rồi. Đánh nhau giờ này thì bánh xèo bánh xiếc gì cũng bỏ. Phần ai cầm lấy súng của người nấy, vội vã rời nhà. Bác gái tôi nhìn hai đứa con khuất vào bóng đêm, rồi nhìn đĩa bánh xèo còn nghi ngút hơi nóng, bà gạt nước mắt.
Ở vùng “xôi đậu” nhưng cha tôi hay lén mở đài BBC để nghe tin tức vào mỗi buổi chiều tối, chuyện này mà mấy ông Việt cộng biết được cũng rất là phiền, dù cha tôi cũng là Việt cộng nhưng hoạt động hợp pháp. Để khỏi bị phát hiện “nghe đài địch”, cha tôi thường vặn volume thật nhỏ, vừa đủ cho mình ông nghe, sau đó ông “truyền” lại thông tin cho cả nhà cùng biết. Mười ba tuổi ngày nay, các cháu có thể biết ông Barack Obama vừa đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ lần 2 nhưng 13 tuổi thời ấy, tôi vô cùng xa lạ với mấy từ “hiệp định”, từ “Paris” lại càng mù mờ hơn. Tôi chỉ nghe cha tôi nói “sắp hòa bình rồi” là tôi vui sướng vì không còn phải ngủ trong hầm chữ A ẩm mốc hằng đêm để tránh pháo lạc.
Sống với bom đạn riết rồi đâm quen, nghĩa là nghe tiếng đề-pa của ụ pháo dưới Chi khu Sơn Tịnh, cách nhà tôi chừng 4 cây số, tôi cũng có thể phân biệt được là pháo ấy “nó” bắn hướng nào! Lên mười tuổi, tôi có thể phân biệt được súng R15 có 20 viên đạn băng vuông của lính nghĩa quân nó khác với khẩu AK có 30 viên đạn băng cong của Việt cộng ra làm sao; súng B40 của bộ đội giống cái bắp chuối khác với súng M72 dài như ống tre của lính cộng hòa như thế nào.
Khi cha tôi thông báo cho cả nhà tin “sắp hòa bình rồi”, tôi thấy thoáng trên khuôn mặt mẹ tôi sự âu lo hơn là mừng rỡ. Sau này tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi lại biểu lộ cảm xúc ấy khi nghe hai tiếng “hòa bình” bằng một nỗi âu lo như vậy. Vì bà còn một đứa con, anh Hai tôi, kể từ ngày rời nhà vào mùa thu năm 1971 đi bộ đội là bặt vô âm tín. Quả vậy, mẹ tôi đã hao khuyết một phần đời mình vì mãi mãi anh Hai tôi không về trong ngày cả dân tộc đoàn tụ năm 1975. Cho đến bây giờ, 40 năm rồi kể từ khi anh Hai tôi ngã xuống ở làng An Đại, xác anh tôi cũng chẳng biết đã tan biến vào đâu!
Tôi còn nhớ rất rõ chi tiết này: Cha tôi vừa thông báo cho cả nhà biết là “sắp hòa bình”, Hiệp định Paris đã được ký và có hiệu lực vào sáng ngày 27/1/1973 (bây giờ tôi tra google mới biết đích xác ngày ấy chứ lúc bấy giờ thì làm gì biết ngày tháng nào!), ngay chiều 26/1/1973, làng tôi súng lại nổ tứ bề. Nhìn ra cánh đồng, tôi thấy cảnh du kích rượt đuổi đám lính bảo an và dân vệ chạy có cờ. Đó là chuyện hy hữu vì từ trước cho đến lúc đó, chưa bao giờ làng tôi lại chứng kiến cảnh du kích rượt lính bảo an chạy giữa ban ngày như vậy.
Sáng sớm ngày 27/1/1973, khi lùa bò ra đồng, lũ trẻ con chúng tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy đầu làng một cây tre đằng ngà to vật vã, cao đến 10 thước, trên có lá cờ nửa xanh nửa đỏ, giữa có ngôi sao vàng, bay lật phật trong nắng mai. Thì ra sau khi rượt lính bảo an cong đuôi chạy về quận lỵ, du kích ta mới âm thầm cắm cờ. Họ chọn một gò đất cao, chỗ thoáng đãng nhất của làng để cắm. Đám trẻ con chúng tôi ngước nhìn sái cả cổ mà không biết chán vì lần đầu tiên chúng tôi thấy lá cờ có nhiều màu, mới tinh và xinh đẹp đến vậy.
Khi chúng tôi lùa bò lên tới núi Ngang, ngọn núi được coi như ranh giới giữa vùng giải phóng với vùng do quân đội Sài Gòn kiểm soát, nhìn về những làng lân cận thì thấy cờ Mặt trận không chỉ có ở làng mình mà hầu như tất cả các làng “xôi đậu” đều có. Nhìn cờ Mặt trận bay lật phật trong nắng mai se lạnh của tiết xuân, rồi nhìn vào mắt của những cụ già ở làng tôi, tưởng như có lửa reo trong mắt các cụ.
Mười chín năm đội bom pháo không lúc nào ngưng nghỉ, cũng ngần ấy năm gánh gồng chạy giặc, từng đội trên đầu bao vành tang trắng, giờ nhìn thấy lá cờ Mặt trận, thấy hòa bình như thể sờ được bằng tay, không mừng sao được. Trải bao can qua, trải bao chất chồng đổ vỡ, giờ trời đất đã yên hàn, lửa như reo trong mắt người già, lòng lũ trẻ chúng tôi lại rộn vang như pháo Tết. Hai tiếng hòa bình tưởng như trong mơ, giờ đã có thể sờ nắn được, lòng người vui, trời đất cũng vui./.