Khai tử xe động cơ đốt trong: Xu hướng tất yếu (original) (raw)
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP 26 diễn ra vào cuối tháng 10/2021, Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này. Một trong những mục tiêu để thực hiện cam kết đó là gia tăng các loại phương tiện ô tô điện không phát thải.
Để thực hiện cam kết kể trên, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg. Theo đó, Chính phủ đã đặt ra lộ trình cắt giảm các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, ưu tiên phát triển xe điện. Tiến tới năm 2050, 100% phương tiện giao thông như ô tô, xe máy sẽ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Xu hướng của thế giới
Tại châu Âu, sức ép phải thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường là rất lớn lên những quốc gia nơi đây. Cuối năm 2016, Đức là quốc gia đầu tiên đưa ra nghị quyết cấm sản xuất các loại xe hơi mới chạy động cơ đốt trong từ năm 2030. Nó nằm trong mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 tới 95% vào năm 2050 mà Chính phủ Đức đã đề ra trước đó.
Cuối năm 2017, Chính phủ Pháp cũng đưa ra quyết định tương tự. Còn tại Anh, ban đầu kế hoạch của Chính phủ là cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2040. Nhưng đến năm 2020, kế hoạch này đã được ấn định vào năm 2030, nghĩa là sớm hơn 10 năm so với mục tiêu được công bố trước đó vào năm 2017.
Các hãng xe Đức khá nhanh nhạy trong việc chuyển hướng sang dòng xe chạy điện từ rất sớm. (Ảnh: Automotive News)
Điều này cho thấy Chính phủ Anh đang đẩy nhanh tốc độ cải tiến công nghệ, chính sách và tính cấp bách của yêu cầu cắt giảm khí thải. Nước này chỉ cho phép bán xe chạy điện và xe hybrid vào năm 2030, và đến năm 2035 sẽ chỉ còn bán xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Vào tháng 7/2021, quyết định mới của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ cấm các loại xe có động cơ đốt trong tại các quốc gia thành viên từ năm 2035. Hiện có nhiều nước châu Âu cũng đang thúc đẩy kế hoạch cắt giảm hoặc cấm xe chạy bằng xăng dầu.
Trong đó, Na Uy dự kiến sẽ đổi sang sử dụng hoàn toàn xe điện từ năm 2025, nghĩa là sớm hơn so với quy định. Nước này đang cho thấy mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được theo đúng lộ trình khi tính đến đầu năm 2022, xe điện chiếm tới 84% doanh số xe bán ra tại đây.
Ngoài những quy định của Chính phủ, các hãng xe tại lục địa già cũng đã chủ động kế hoạch chấm dứt phát triển động cơ đốt trong. Một trong những nguyên nhân chính từ tiêu chuẩn khí thải Euro 7 quá khắt khe.
Đây là tiêu chuẩn mà hầu như không có một xe sử dụng động cơ đốt trong nào có thể đáp ứng được. Nếu có đáp ứng được thì giá xe cũng bị đội chi phí lên cao. Điều này buộc các hãng xe không còn cách nào khác là phải phát triển dòng xe điện thay thế cho xe chạy xăng/dầu.
Chứng tỏ liên minh châu Âu (EU) đang làm nhiều cách để các quốc gia thành viên chuyển hướng sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy điện. Phía EU cũng đã cam kết phát triển mạng lưới đạt 1 triệu trạm sạc vào năm 2025 và 3,5 triệu trạm sạc vào năm 2030.
Bên kia bán cầu, tại Mỹ và Canada, kế hoạch cấm bán xe động cơ đốt cũng sẽ từ năm 2035. Còn tại châu Á, chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc đều thống nhất sẽ dừng bán xe động cơ đốt trong vào năm 2040 và tiến tới 100% xe điện vào năm 2050.
Đây là điều tất yếu khi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dòng xe chạy điện trong vài năm trở lại đây. Các ông lớn của ngành công nghiệp ô tô liên tục cho ra mắt những mẫu xe điện mới với hàm lượng công nghệ cao. Vô hình chung, tất cả đang tạo nên một cuộc chơi mới trong ngành ô tô toàn cầu.
Hơn nữa, việc công nghệ động cơ đốt trong đã tới sự giới hạn cùng những yêu cầu tiêu chuẩn khí thải ngày càng trở nên nghiêm ngặt, lựa chọn phát triển xe điện được xem là giải pháp cứu cánh tốt nhất vào lúc này.
Thêm vào đó, khai tử động cơ đốt trong sẽ giúp các hãng xe có thể tập trung nguồn lực và công sức cho những thứ liên quan đến xe điện như pin nhiên liệu, nền tảng khung gầm, hệ thống hỗ trợ thông minh…
Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi
Để theo xu hướng dừng bán xe động cơ đốt trong diễn ra trên toàn cầu, mới đây Việt Nam cũng đã những quyết định liên quan đến vấn đề này. Theo đó, Việt Nam xác định đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến 2050, 100% phương tiện chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Vào năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới tại Việt Nam là xe điện, sử dụng năng lượng xanh. (Ảnh: Hoàng Hà)
Quyết định được Chính phủ đưa ra hoàn toàn phù hợp với những gì mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP 26 diễn ra vào cuối năm ngoái. Điều này dự báo sẽ tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước những năm tới. Nhưng nó cũng chỉ ra hướng đi rõ ràng mà các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy có thể chuẩn bị trong giai đoạn tới.
Trong các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam, VinFast được xem là hãng xe tiên phong trong việc công bố chính thức dừng bán xe động cơ đốt trong từ giữa tháng 7/2022 để chuyển sang tập trung cho xe điện. Xu thế điện hóa tại thị trường ô tô Việt Nam cũng đã cho thấy những tín hiệu tích cực khi ngày càng nhiều mẫu xe "xanh" đã và sẽ được giới thiệu ra thị trường trong năm nay như loạt xe hybrid của Toyota, xe điện của VinFast, Hyundai, KIA, Nissan hay Mercedes-Benz.
Thực tế, quá trình chuyển dịch từ xe động cơ đốt trong sang xe điện đối với các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô xe máy sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn khi ngành công nghiệp phụ trợ hiện đang rất thấp, tỉ lệ nội địa hóa vẫn chưa cao, phần nhiều mới dừng lại ở lắp ráp.
Tất nhiên, sự phát triển xe điện tại thị trường Việt Nam giờ đây không chỉ còn là trách nhiệm riêng của các nhà sản xuất ô tô, xe máy mà phải là sự chung tay của các Bộ, Ngành và cả Chính phủ. Cơ sở hạ tầng, trạm sạc không nên trở thành gánh nặng đầu tư của các nhà sản xuất ô tô, thay vào đó sẽ là bên thứ 3 đầu tư để tất cả những chiếc xe điện có trên thị trường có thể sử dụng trạm sạc mà không gặp trở ngại gì.
Nhiều mẫu xe điện được ra mắt tại Việt Nam trong năm 2022.
Từ góc độ người tiêu dùng, theo lộ trình, từ nay cho tới thời điểm hạn chế nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2040, nghĩa là còn hơn 17 năm nữa để người dùng có thể sở hữu và sử dụng xe chạy xăng hoặc dầu.
Nên nhớ, lộ trình chỉ dừng bán xe động cơ đốt trong từ năm 2040 chứ không cấm lưu hành những chiếc xe chạy bằng xăng hoặc dầu đã bán ra thị trường trước đó. Như vậy, sẽ không có chuyện hàng chục triệu ô tô xe máy sử dụng động cơ đốt trong phải "vứt đi" như nhiều người lo lắng.
Về pin sạc cho xe điện, hiện tại đây vẫn là mối bận tâm và lấn cấn đối với người dùng. Nhưng hãy nhìn 10 năm qua, công nghệ pin đã có những bước phát triển rất đáng kể, thế nên 10 năm nữa, xa hơn là 20 năm nữa công nghệ pin sẽ còn tiến xa đến mức nào. Đến lúc đó, một chiếc xe điện hoàn toàn có thể di chuyển lên tới cả ngàn kilomet chỉ trong một lần sạc. Thời gian sạc được rút ngắn, dù không bao giờ đạt được như thời gian đổ xăng nhưng cũng đủ để người dùng không phải chờ quá lâu.
Ngoài ra, với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế phí dành cho xe điện, nếu không phải đầu tư hạ tầng trạm sạc, các nhà sản xuất ô tô, xe máy sẽ có cơ hội để hạ giá thành sản phẩm, từ đó cung cấp cho người dùng những mẫu xe điện bình dân hơn. Chỉ có dễ dàng tiếp cận được với xe điện giá rẻ, di chuyển dài hơn, tiện lợi hơn thì lộ trình xóa bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong mới sớm được thực hiện một cách triệt để.
Gia Khánh
Khai tử xe động cơ đốt trong: Có nên bi quan?Khi theo dõi mấy diễn đàn về ô tô, tôi để ý thấy không thiếu những ý kiến khá bi quan về việc sẽ đến ngày khai tử ô tô chạy động cơ đốt trong, đồng nghĩa với việc khai tử một số ngành nghề liên quan đến ô tô.